22 thg 11, 2008

Đôi hài của miền Châu thổ


Chuyến xe tốc hành Phương Nhã chuyển bánh, đây cũng là chuyến cuối cùng trong ngày của tuyến Sài gòn - Cần Thơ .
Sài gòn - Cần thơ đã trở nên gần gũi từ khi chiếc cầu Mỹ Thuận được khánh thành, đôi bờ sông Tiền bao năm khao khát giờ đã được nối liền. Có lẽ cũng phải nói rằng cái duyên của cây cầu này đã có từ năm 1993, nhưng để nó trở thành hiện thực từ dự án đến công trình khởi công cũng phải mất 5 năm, tiếp theo hai năm thi công để đêm 16 rạng sáng 17/12/1999, chúng tôi lại gặp nhau ở điểm hợp long cầu. Gió lộng, trăng sáng. Hứng khởi và xúc động. Ngày ba mốt tháng mười hai năm 1999 chuyến xe đầu tiên đã chuyển bánh trên chiếc cầu dấu ấn của thế kỷ hai mươi.
Nỗi day dứt còn lại đến hôm nay vẫn là đôi hài thiếu một chiếc. Dòng Cửu long chia hai nhánh như đôi bàn chân trần giữa miền Tây Nam bộ - một chiếc hài tả ngạn đã xây xong, còn một chiếc nữa phải mất bao nhiêu năm tiếp theo để kế hoạch trở thành hiện thực. Ta đang mừng thầm nay mai chiếc hài thứ hai và là kỷ lục về chiều dài của nó được vẽ chấm son trên bản đồ Việt Nam, trở thành một đôi chân vững chắc của miền Tây Nam bộ - cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ .
Mải suy nghĩ về ước mơ hai chiếc hài, tôi giật mình vì tiếng xe thắng đột ngột, lại một trạm bắn tốc độ của cảnh sát Tiền Giang chặn xe. Có lẽ sau những vui mừng chưa được bao lâu do cây cầu Mỹ Thuận mang đến thì lữ khách vẫn luôn lo sợ một điều gì đó mơ hồ... hành trình tiếp tục xuống đến Bắc Bình Minh, tôi nhìn đồng hồ hơn 9 giờ tối. Chiếc Nokia cứ một lúc lại reo lên...chiến thắng rồi... trận đồng đội chung kết tối nay đã khiến tôi phải vội vàng xuống cho kịp cổ vũ, vậy mà từng trận chiến thắng tôi chỉ được “xem” qua cái máy di dộng vô hồn. Giờ này chắc thằng nhỏ mong mẹ lắm – tay vợt chủ lực của đội thành phố . Trận thứ hai, thứ ba và kết thúc... Chỉ cách một chuyến phà là gặp nhau, là hò reo, là mãn nguyện. Vậy mà chúng tôi phải ngồi đợi phà gần 2 tiếng đồng hồ để chứng kiến cuộc chiến nảy lửa bên sân vận động Cần thơ chưa đầy 15 phút đường chim bay.
Niềm vui và nỗi buồn cứ bãng lãng đan xen để khi phà cập bến thì mọi việc đã xong. Thế là vuột mất cơ hội cổ vũ cho đội nhà. Ngày mai là ngày thi đấu bảng đơn, tôi sẽ ở lại cho đến hết giải. Những ngày sau là sự bù đắp trong niềm hạnh phúc thành công .
Trở về Sài gòn trên con đường cũ, lại ao ước, lại thầm mong đôi hài có bạn có đôi, chiếc phà Cân Thơ già nua, cũ kỹ sẽ là một chiếc cầu đẹp nhất Việt Nam, dài nhất Việt Nam - kể cả đường dẫn và sàn cầu trên sông cũng gần bốn nghìn mét, nét đặc trưng rất riêng cho miền sông nước Cửu Long. Chín đầu rồng sẽ vươn ra biển cả. Một màu xanh no ấm và hạnh phúc trên quê hương châu thổ đồng bằng Sông Cửu Long.
Chiếc phi hành nào chở người bạn tôi từ Virginia, Maryland, Washington D.C. về đến sân bay Tân Sơn nhất - chiếc xe du lịch 15 chỗ đón sẵn ở cửa Quốc ngoại . Mấy năm nay, Việt Nam đã dần trở thành nơi hồi hương của những người con xa xứ trở về, họ náo nức đợi những giây phút hân hoan đón người thân. Sau nhiều giờ bay quanh nửa vòng trái đất, giờ phút đặt chân xuống mảnh đất quê hương lần nào cũng mang một niềm xúc động mãnh liệt. Quê hương là chùm khế ngọt - bản nhạc có sức cuốn hút - thúc đẩy tình người da diết quá. Thế đấy, chặng đường xa cũng thấy gần.
Nhưng.... cái chữ "nhưng" vẫn day dứt lắm, tê tái lắm. Sài Gòn - Cần Thơ chẳng xa đâu, nếu có một bàn chân trần bắc ngang sông Hậu nối kết mạch giao thông thì đồng lúa quê mình sẽ vàng ươm trĩu hạt hơn, trái ngọt quê mình sẽ đi xa hơn, chuyến xe trên đường hành hương về thăm quê sẽ rút ngắn lại bằng nửa thời gian . Khát khao một sự phát triển vùng châu thổ sẽ phụ thuộc vào huyết mạch từ quê lên phố của đồng bào quê mình. Ta hãy ước ao, một mơ ước đời thường đang đến giữa vòng tay... Đôi hài miền châu thổ.

Mai Khoa , 21/6/2005.

Nhật ký Triều Cường




Sông Đồng Nai như một dải lụa mềm, thuộc Miền Đông Nam bộ. Khúc sông chảy qua Thành phố được mang tên Sài Gòn ấy vẫn hằng ngày đổi dòng theo qui luật của mặt trăng.
Sài Gòn có hai mùa , mùa khô và mùa mưa. Triều cường thường xuất hiện vào cuối mùa mưa khoảng tháng 9 âm lịch, và chấm dứt vào khoảng tháng 3 năm sau.
Xuất hiện triều cường đã thành lệ, cứ khoảng chiều chiều nước bắt đầu lên, người ta có thể nhận biết - nước chảy ngược, mang theo những cánh bèo tây đi về hướng thượng lưu. Đặc biệt, trong thành phố những con đường thấp trong tầm của triều cường bị ngập gây ra cảnh lụt lội, người và xe lưu thông rất khó khăn.
Lịch triều cường thường là 1 tháng hai kỳ, mùng một (đầu tháng) và rằm (giữa tháng), mỗi kỳ kéo dài (+, -)1 tuần . Một ngày đêm triều cường lên xuống hai lần, mỗi lần chậm đi một giờ đồng hồ, và kéo dài 5-6 giờ, khi nước rút để lại sình lầy rất bẩn, công nhân vệ sinh rất vất vả để quét dọn thu gom lấy lại cảnh quan thành phố.
Theo kinh nghiệm của người dân sống lâu năm, năm 2006 triều cường cao nhất trong thời gian gần 40 năm nay. Rất có thể do nước biển tăng cao từ những tảng băng ở Bắc Cực tan ra, nhưng không loại trừ khả năng - Thời đại công nghiệp hoá, xây dựng nhiều, làm mất những khả năng thu thoát nước từ những dòng kênh… làm cho Thành phố Sài Gòn nao núng vì ngập lụt.
Triều cường… xưa là nét đẹp của vùng sông nước - đối lưu tẩy đục – khơi trong. Triều cường… nay là nỗi ám ảnh của người dân vùng ngập, sống chung với nước…

(Ghi lại sau khi lội vào đường ngập và xe chết máy dắt bộ nửa cây số-đoạn Nguyễn Hữu Cảnh – Q.Bình Thạnh)

MK, 19/01/2007
(mùng một tháng mười hai Bính Tuất)

Tản mạn: Thăng Long-Hà Nội



Thang lang... tôi lạc vào phố cổ, quán số 1 Hàng Cót... người người nhìn nhau qua khói ...mùi thịt nướng, mùi rau thơm, mùi than tí tách nồng nặc... phải nhanh chân ra thôi, sau khi cái bao tử đã lưng lửng đặc sản Hà Nội. Đi dọc dốc Hàng Than lên đê Yên Phụ hứng ít gió trời, sông hồng mùa này nước bớt sôi đỏ phù sa, làng bãi ngoài sông xanh um một màu tươi tốt, thả bộ và ngắm nhìn cái vẻ yên tĩnh ... tôi không tin. Người ta bảo Hà Nội trầm lặng về đêm, nhưng giữa chiều Hà Nội ... yên ả lắm. Theo đường Quan Thánh tôi lên hồ Trúc Bạch, hồ Tây, dạo đường Thanh Niên, ghế đá bao nhiêu tuổi ... đã mòn một bên... nắng, gió, mưa làm sần da lốm nhốm. Ngày xưa, tôi tập làm thơ:

Em cứ nghĩ sẽ cùng anh xuống đó
Đi bên anh đong gió Hồ Tây
Và đêm hết những vì sao lấp lánh
Lung linh soi đọng mặt hồ...


Nhà thơ và bài thơ đi qua thời gian, ghế đá in màu thời gian, góc phố khắc hình hài của Hà Thành - tuổi thơ tôi vẫn còn đó... Tôi đã ra đi, tôi đã trở về trong chiều Hà Nội ... thanh thản dạo chơi, bước chân không chủ định ... tôi đi xem tôi, xem kỉ niệm tôi cất giấu nơi nào đó trong lòng Hà Nội. Hà Nội bây giờ vươn rộng ra bốn bề ngoại ô, con đò Chèm ngược dòng sang sông thuở ấy - gió đã mang về đâu... Cát đã khơi và người đã rất vội...giã từ .

Hiện diện là những chiếc cầu như những con rồng vắt ngang sông. Trầm tư như người già mất ngủ, chiếc cầu đã mang bao nhiêu thân phận con người ra đi và trở về nhỉ? Chẳng ai biết, chỉ biết là nó hãnh diện lắm, dù những mảnh đời nghèo khó hay các thế hệ con người đi qua, ít ai để tâm trò chuyện với chiếc cầu, ít ai hiểu được nó đã oằn mình trong sương gió, trong bão dông. Những chiếc cầu đã chở đòan khách quốc tế vào Việt Nam, đã chở những người việt Nam lên chuyến phi cơ cất cánh vào không gian đến năm châu lục . Đó là chiếc cầu Thăng Long mà những năm đi học tôi mơ ước được nhìn thấy nó biết bao. Ơi Hà Nội của ta xưa, Hà Nội của ta nay... còn nhiều trăn trở, một chút gió bấc làm ta thóang gợi về dĩ vãng xa xăm.

MK, 3/2005

Mình có thấy ca khúc Hà Nội đẹp không?



Mỗi lần nghe ca từ về Hà nội là thu lại cảm thấy diệu vơi, nó cứ se sẽ gặm nhấm nỗi nhớ Hà Nội, nhớ người Hà Nội, mà người hà nội là ai chứ, là cây chì vẽ một nét thu, là chiếc lá cô đơn bay lạc lõng cả trưa , là xanh xao một cánh diều ngoại ô ... Hà nội ơi! Hà nội ơi...nhớ lắm ! nếu được trở về... Thu sẽ lẽo đẽo theo sau một cái xe, có thể là họ không biết. để ngắm nhìn cái hồn nhiên, cái vô tư ấy. Có thể Thu sẽ tìm thấy một nét Hà Nội của Thu đánh rơi năm xưa - mà ai đó đang khoác vào thay chỗ mình xưa...
Hà nội sẽ vui khi nhìn thấy Thu cười hồn nhiên, hồn nhiên như cánh hoa đồng nội trên tay mình đó ... nhưng xin mình, chớ nghe lời mật ngọt của ai đó không phải Thu, Thu cũng sợ mất mình... bởi lẽ... chẳng ai đi trọn vẹn một lối về...
Thu về rồi đấy ! tháng tám của mong chờ !
Năm xưa, thu chọn mùa thu cho mình là tìm những ngọn gió heo may thổi nhẹ, làn tóc xưa dài lắm, nó cứ quện trên vai và tung bay... tuổi trẻ kéo người ta đi tuồn tuột, vô hồn... trở về... Thu thấy mình khác đi, Thu đắm mình vào đông và đêm mùa đông ấy, thu tạc mình vào thơ...
(tản mạn: Nhớ về Hà Nội)

MK-sinh nhật 15-11-2007
---
Thu Hà Nội đấy! mong manh và đầy gợi cảm thi hứng cho từng khúc nhạc, vần thơ tỏa sáng. Thu đông đầy trong sắc là vàng rơi xào xạc nơi con đường tình yêu trong mỗi chiều rợp bóng, thu hồn nhiên trong những tà áo trắng mảnh mai buổi tan trường. Thu Hà Nội đó trên mặt hồ Tây trong ráng chiều vời vợi cho ta chợt ngỡ ngàng trong vẻ đẹp lung linh gợn làn sóng lăn tăn Tây Hồ .
Thu reo trong những cơn gió nhỏ nghịch ngợm xỏa dài mái tóc bay bay trong mỗi chiều trên phố để bâng khuâng mãi bước người đi. Thu Hà Nội cho ta nhớ, nhớ đến ngẩn ngơ trong cơn mưa chiều li ti giọt nước còn đọng trên mi ai long lanh như hạt ngọc trong lành để bất chợt ai đó ước ao một nụ hôn đầu vụng dại... Thu đó Hà Nội ơi! (Hạnh Ngân)

---
Chị tự nhận mình là Thu Hà Nội
Để con tim xa mỗi ngày bổi hổi
Nỗi nhớ Hà Nội luôn khắc khoải đầy vơi
Hà Nội Thu, Hà Nội mến yêu ơi!

(Khải Nguyên)

Đêm nhạc Trịnh 02 04 2008

Tấm vé của Thuhanoi khi vào cổng



Đêm nhạc Trịnh Công Sơn

Sau giờ làm việc, tôi tranh thủ kiếm gì ăn để sang Bình quới trước giờ khai mạc. Con đường từ Trung Tâm Sài Gòn ra Nguyễn Hữu Cảnh lúc tan tầm đông khủng khiếp, cuối cùng cũng thoát ra khỏi dòng người và xe tấp nập, bọc qua dạ cầu Sài Gòn phía Tân Cảng, tôi rẽ vào đường Ung Văn Khiêm để lên Xô Viết Nghệ Tĩnh vào Thanh Đa qua cầu Kinh . Sài gòn 6 giờ 30 chiều vẫn còn ửng sáng của tia nắng cuối cùng. Dù vậy đoàn người đã tấp nập kéo về bán đảo Thanh Đa để thưởng thức Đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Từ ngã tư Chợ Thanh Đa vào khoảng 2 km là khu Du lịch Bình Quới 1 nơi toạ lạc HỘI QUÁN HỘI NGỘ– Có một nơi trang nghiêm để mọi người đến thắp hương cho NS Trịnh Công Sơn với tấm phù điêu chân dung của nhạc sĩ.
Những ngôi nhà gần khu Du lịch Bình Quới 1 (hàng chục điểm giữ xe) đều tranh thủ mở cửa nhận giữ xe cho khách đến nghe nhạc.

ĐÊM NHẠC KỶ NIỆM 7 NĂM NGÀY MẤT NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN
(1/4/2001 – 1/4/2008)

Thời gian: 19 giờ ngày 02/04/2008
Chủ đề: Ngồi bên hiên nhà
Đạo diễn: Đinh Anh Dũng
Biên tập: Đỗ Trung Quân
Âm Thanh ánh sáng: Phúc Thịnh
Với 6 màn hình cực lớn treo rải rác trong khuôn viên
Số lượng vé mời : 5000 vé tương đương 10.000 người (1 vé mời 2 người)


Những điểm khác biệt các năm trước :

Năm nay BTC dựng lên 3 sân khấu được nối với nhau bằng những chiếc cầu tre giúp cho diễn viên đi từ sân khấu trung tâm về 2 sân khấu nhỏ - người xem có cảm giác rất gần gũi với tiếng hát, những ca từ vang lên qua các chất giọng được thể hiện điêu luyện với nhạc phẩm .

Giờ khai mạc chính thức 20 giờ, sân cỏ chật nich nhưng rất trật tự với hàng chục nghìn người đang lắng nghe. Toàn bộ đèn chiếu sáng tắt hết, một đêm cuối tháng 2 không trăng bên bờ sông Sài gòn vang lên “Hồi ức chiến tranh”. Những đèn pha, những tia pháo sáng, pháo hoa thay cho hình ảnh sống động của trận chiến diễn ra ác liệt của thập niên 70, tiếng trẻ em khóc thét, tiếng gia cầm chạy nháo nhác, màu khói tiếng bom, máu lửa đỏ rực trời… đoạn phim chiếu chậm ấy diễn ra trong vài phút –con người giữa cái sống và cái chết, càng thấy yêu quí cuộc sống hoà bình biết bao.

Cái khao khát hoà bình đã sống trong ca từ của nhạc Trịnh và làm nó sống mãi với thời gian, ước nguyện của ông cũng là ước nguyện của loài người yêu tự do, bình đẳng, bác ái. Đến với Đêm nhạc Trịnh Công Sơn, mở màn cho đêm diễn là ca sĩ trẻ Hà Anh Tuấn, anh hát với nhiệt huyết tuổi trẻ, hát với khát vọng yêu thương – làm mới hơn trong sự thể hiện nhạc Trịnh – như tiếng nói của tuổi trẻ về một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Đêm diễn có sự tham gia của các ca sĩ, nhạc sĩ:

Lan Ngọc, vẫn bộ áo dài thường trực và mái tóc búi lọn gọn gàng mấy chục năm đi hát không có gì thay đổi, có chăng là nụ cười tươi hơn.

Bảo Phúc: Với cây dương cầm thuần tuý, anh như hoá thân vào từng lời ca tràn đầy cảm xúc.

Hồng Hạnh: khá đặc biệt với bộ áo váy và giọng hát bốc lửa (gần như mang cả chất rook vào nhạc Trịnh – có lẽ đây là lần đầu tôi nghe cô hát và hét như thế) nhưng vẫn rất nữ tính với mái tóc bồng bềnh. Chị tâm sự, bài hát chị vừa trình bày là bài đầu tiên anh Sơn biên tập cho album nhạc của Hồng Hạnh – cassett đầu tiên vào nghề hát.

Quang Dũng: vẫn giữ được phong cách hát thu hút người nghe bằng chất giọng nam trung ấm áp như tự sự.

Phương Thanh : Hình như không phù hợp lắm với chất giọng của nhạc Trịnh

Đức Tuấn : Một ca sĩ đang tự khẳng định mình – hát tốt, ca từ nhấn nhá vừa đủ truyền cảm.

Mỹ Lệ : Cô hát say sưa và đầy nhiệt tình, sau tiếng vỗ tay, lại tặng thêm 1 bài nữa = rất tuyệt, cô đã hát ở những phòng trà –nghe cũng đã thương lắm rồi.

Xuân Phú: Trời ban cho ca sĩ này chất giọng ấm, truyền cảm lắm, dân Sài gòn mới nghe tên ông đã vỗ tay rần rần.

Quỳnh lan, Thảo Trang, Trà My,Lệ Hồng : hát rất dễ thương - rất hết mình .

Thái Hoà, Thuỵ Long : Giọng nam trầm, gương mặt lạ tôi nghe lần đầu.

Hoàng Hải: Hơi bất ngờ với bộ veston màu vàng cam, ông là một trong số ca sĩ lớn tuổi của đêm nhạc nhưng lại là giọng Nam cao và hát rất nhiệt tình, rất dí dỏm, mỗi ca từ nhả ra một cách điệu nghệ nhấn nhá không khỏi làm khán giả ồ lên cười hưởng ứng.

Nhóm mặt trời mới với các cô vừa là ca sĩ vừa là nhạc công làm rung động cả không gian vốn trầm lắng của dòng nhạc trữ tình.

Càng về khuya Nhạc càng hay, mỗi giai điệu, mỗi nhạc phẩm đều chứa trong mình một kỉ niệm - một cuộc đời. Để kết cho bài viết này tôi chỉ biết nói rằng “Đêm nhạc Ngồi dưới hiên nhà” của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã thành công. Thành công trong sự yêu mến ông của những khán giả lặng yên nghe ông tự sự. Thành công trong khâu tổ chức rất chu đáo - ấm cúng. Thành công cả khi không có những ca sĩ Nhạc Trịnh có tên tuổi tham dự như Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Thanh Long bat, vv…vv.

Tình cảm của mọi người giành cho Nhạc sĩ đủ mang lại sự ấm áp như một quà tặng, một nén hương đến hương hồn nhạc sĩ họ Trịnh.

Thuhanoi. 3/4/2008