26 thg 9, 2011

Giữ mùa thu cho em

Giữ mùa thu cho em

Cây lộc vừng thắp lửa hồ Gươm(*)
Lá vẫn tươi trên cành nhung nhớ
Mùa thu về hoa chưa buông rèm nở
Sao cứ chạnh lòng sợ thu đi

Hà Nội trong xanh như tuổi xuân thì

Lời yêu thương cong mềm bờ liễu

Sợi nắng vàng ươm tơ trời huyền diệu

Nghe mênh mang dịu ngọt ban mai

Xin níu giữ mùa thu cho em
Khi ánh đèn màu rộn lên chân thực
Hà Nội trong tôi – đêm vui náo nức
Dịu dàng em – thu Hà Nội đầy hoa


Giữa những âm thanh tình nghĩa giao hòa
Em cứ nhủ lòng mình như thế
Giữ dùm em mùa thu anh nhé
Để đêm trăng mộng ước tròn đầy.

Mai Khoa, 01/9/2011

-------

Bài thơ này vừa viết xong đưa lên mang - nhạc sĩ Kiều Tấn Minh chọn phổ nhạc - tiếp sau đó Nhạc sĩ Nguyễn Quang Nhàn phổ nhạc, hai nhạc sĩ ở 2 phương trời xa nhưng cùng hướng về Hà Nội.

(*)Cây Lộc vừng từ lá màu xanh chuyển hết sang màu đỏ như vầng lửa.

Nghe tin chị ốm

Nghe tin chị đau mà em xốn xang

Bắc Nam cách trở đôi đàng

Muốn nắm tay chị thầm thì tâm sự

Cho vơi bớt phận đa mang …

Thời gian trôi đi như một dòng sông

Không thể quay về tuổi thơ bé bỏng

Mái tóc mây hong nắng bên thềm

Chùm nhãn ra hoa hương rắc tóc mềm

Ngày thống nhất em trở về Nam

Chị lấy chồng một đời vất vả

Em nghe bao lần ca dao cò lả

Chắt chiu hạt nắng ven sông …

Nghe chị đau mà em xốn xang

Lời chị xa xôi lệ rơi lòng em chua xót

Giá như có một ân huệ của Trời Phật

Nụ cười chị sẽ tươi như chưa từng biết cơn đau.

Xuất bản thơ Sóng pha lê

%name

Lời giới thiệu

Với Mai Khoa, yêu thơ và làm thơ luôn đồng hành bên nhau, nó gắn chặt với hai chữ "nghiệp duyên". Dòng thời gian không ngừng trôi, Mai Khoa như con ong vàng cần mẫn góp nhặt hương hoa dâng mật ngọt cho đời. Nếu ngoài đời ta biết một Mai Khoa với nụ cười đằm thắm dịu dàng đôn hậu, thì trong thơ ta cũng gặp một Mai Khoa giản dị, nhân ái, dịu hiền trong từng con chữ.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 52 (15/11/1959 - 15/11/2011) tác giả chọn 52 bài thơ cho ra mắt bạn đọc tập thơ "Sóng pha lê"(*) là những nốt nhạc trầm bổng của cung đàn thời gian, tác giả trăn trở giãi bày số phận, nỗi niềm, quy luật cuộc sống, vừa chiêm nghiệm, khao khát, vừa là người trân trọng nâng niu tất cả… dẫu thời gian tàn nhẫn sẽ mang đi. Mai Khoa chọn cho mình tới cõi thơ, với những bài thơ nho nhỏ mang lời thì thầm về tình yêu và hạnh phúc như sự tri ân với cuộc sống, với bạn bè, đồng nghiệp, người thân... ở đó tất cả yêu thương, hờn giận, buồn vui, số phận con người nhấp nhô theo dòng chảy thời gian nhưng vẫn nhẹ nhàng thanh thoát, vẫn toát lên tấm lòng rộng mở, ưu ái, nâng niu với những gì mình đã có và sẽ có trong đời.

Nếu ở tập thơ Thu Hà Nội(**), có một Mai Khoa yêu Hà Nội qua từng ngõ phố, hàng cây; yêu mùa thu, hương cốm làng Vòng; yêu Hà Nội cổ kính rêu phong ngàn năm văn hiến; thì ở Sóng pha lê Mai Khoa cho ta những cảm nhận sâu lắng về con sóng tình yêu đằm thắm, dịu dàng mà dữ dội, tha thiết. Cũng vẫn là tình yêu giành cho thiên nhiên, nhưng càng đọc càng thấy thân quen hơn, gần gũi hơn. Từng bài thơ chứa đựng những suy tư sâu sắc, trầm tĩnh thấm đẫm yêu thương nhân ái, những mảnh đời éo le, bất hạnh, là tình yêu dành cho mẹ già lưng còng chân đất, người cha lưng trần thấm đẫm mồ hôi và những mảnh đời bất hạnh, thương quê nội còn nghèo khó, vất vả… Mỗi bài thơ đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng sâu lắng, như ngọn gió trong lành mát dịu, như hương thơm của hoa lá, cỏ cây đồng nội. Làn gió ấy thổi bùng, thắp sáng lên "ước mơ của Thúy", ước mơ cao đẹp, em là đóa hoa mặt trời có sức sống mãnh liệt, hương của hoa lan tỏa thơm ngát theo chiều dài năm tháng:
“Mơ cho những mầm non thơ trẻ
Đang đấu tranh với căn bệnh hiểm nghèo”
Hay:
“Những đôi mắt ngây thơ đòi sự sống
Nhìn em cười - nỗi đau vợi đi” .
Tác giả muốn gửi gắm tâm tình, muốn lay động ở người đọc một cảm nhận mới về cuộc sống đang diễn ra xung quanh ta như một bản hợp ca với muôn vàn âm thanh:
Hòn đá cuội trằn mình dâng hiến
Sóng vỗ về trình tấu khúc nhạc êm
Hay:
“Những vòng sóng tưởng vô cùng bình lặng
Lại khởi đầu của thương nhớ pha lê”.
Nắng, cát, gió, biển... là những chất liệu mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Bằng mồ hôi, công sức và trí tuệ, con người đã làm chất liệu ấy bám chặt, đan quyện, dính kết với nhau tạo nên báu vật pha lê quyến rũ, lấp lánh tô điểm nét quý phái cùng thời gian, nhưng “Khi pha lê gợn sóng ấy là lúc vũ trụ xoay vần, cuộc đời chuyển động". Nói như nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên: “Sóng pha lê ở đó không chỉ có "sóng" đâu mà còn bao điều khác nữa..."

Tôi tin khi cầm trên tay tập thơ “Sóng pha lê” mở từng trang để đọc, quý độc giả sẽ khám phá và cảm nhận được trong sâu thẳm lòng mình những vần thơ đầy cảm xúc mới mẻ, ngọt ngào…

Hồ Viết Chấn

---
(*) Sóng pha lê - NXB Thanh niên 2011
(**)Thu Hà Nội- NXB Thanh Niên2010