22 thg 11, 2008

Đôi hài của miền Châu thổ


Chuyến xe tốc hành Phương Nhã chuyển bánh, đây cũng là chuyến cuối cùng trong ngày của tuyến Sài gòn - Cần Thơ .
Sài gòn - Cần thơ đã trở nên gần gũi từ khi chiếc cầu Mỹ Thuận được khánh thành, đôi bờ sông Tiền bao năm khao khát giờ đã được nối liền. Có lẽ cũng phải nói rằng cái duyên của cây cầu này đã có từ năm 1993, nhưng để nó trở thành hiện thực từ dự án đến công trình khởi công cũng phải mất 5 năm, tiếp theo hai năm thi công để đêm 16 rạng sáng 17/12/1999, chúng tôi lại gặp nhau ở điểm hợp long cầu. Gió lộng, trăng sáng. Hứng khởi và xúc động. Ngày ba mốt tháng mười hai năm 1999 chuyến xe đầu tiên đã chuyển bánh trên chiếc cầu dấu ấn của thế kỷ hai mươi.
Nỗi day dứt còn lại đến hôm nay vẫn là đôi hài thiếu một chiếc. Dòng Cửu long chia hai nhánh như đôi bàn chân trần giữa miền Tây Nam bộ - một chiếc hài tả ngạn đã xây xong, còn một chiếc nữa phải mất bao nhiêu năm tiếp theo để kế hoạch trở thành hiện thực. Ta đang mừng thầm nay mai chiếc hài thứ hai và là kỷ lục về chiều dài của nó được vẽ chấm son trên bản đồ Việt Nam, trở thành một đôi chân vững chắc của miền Tây Nam bộ - cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ .
Mải suy nghĩ về ước mơ hai chiếc hài, tôi giật mình vì tiếng xe thắng đột ngột, lại một trạm bắn tốc độ của cảnh sát Tiền Giang chặn xe. Có lẽ sau những vui mừng chưa được bao lâu do cây cầu Mỹ Thuận mang đến thì lữ khách vẫn luôn lo sợ một điều gì đó mơ hồ... hành trình tiếp tục xuống đến Bắc Bình Minh, tôi nhìn đồng hồ hơn 9 giờ tối. Chiếc Nokia cứ một lúc lại reo lên...chiến thắng rồi... trận đồng đội chung kết tối nay đã khiến tôi phải vội vàng xuống cho kịp cổ vũ, vậy mà từng trận chiến thắng tôi chỉ được “xem” qua cái máy di dộng vô hồn. Giờ này chắc thằng nhỏ mong mẹ lắm – tay vợt chủ lực của đội thành phố . Trận thứ hai, thứ ba và kết thúc... Chỉ cách một chuyến phà là gặp nhau, là hò reo, là mãn nguyện. Vậy mà chúng tôi phải ngồi đợi phà gần 2 tiếng đồng hồ để chứng kiến cuộc chiến nảy lửa bên sân vận động Cần thơ chưa đầy 15 phút đường chim bay.
Niềm vui và nỗi buồn cứ bãng lãng đan xen để khi phà cập bến thì mọi việc đã xong. Thế là vuột mất cơ hội cổ vũ cho đội nhà. Ngày mai là ngày thi đấu bảng đơn, tôi sẽ ở lại cho đến hết giải. Những ngày sau là sự bù đắp trong niềm hạnh phúc thành công .
Trở về Sài gòn trên con đường cũ, lại ao ước, lại thầm mong đôi hài có bạn có đôi, chiếc phà Cân Thơ già nua, cũ kỹ sẽ là một chiếc cầu đẹp nhất Việt Nam, dài nhất Việt Nam - kể cả đường dẫn và sàn cầu trên sông cũng gần bốn nghìn mét, nét đặc trưng rất riêng cho miền sông nước Cửu Long. Chín đầu rồng sẽ vươn ra biển cả. Một màu xanh no ấm và hạnh phúc trên quê hương châu thổ đồng bằng Sông Cửu Long.
Chiếc phi hành nào chở người bạn tôi từ Virginia, Maryland, Washington D.C. về đến sân bay Tân Sơn nhất - chiếc xe du lịch 15 chỗ đón sẵn ở cửa Quốc ngoại . Mấy năm nay, Việt Nam đã dần trở thành nơi hồi hương của những người con xa xứ trở về, họ náo nức đợi những giây phút hân hoan đón người thân. Sau nhiều giờ bay quanh nửa vòng trái đất, giờ phút đặt chân xuống mảnh đất quê hương lần nào cũng mang một niềm xúc động mãnh liệt. Quê hương là chùm khế ngọt - bản nhạc có sức cuốn hút - thúc đẩy tình người da diết quá. Thế đấy, chặng đường xa cũng thấy gần.
Nhưng.... cái chữ "nhưng" vẫn day dứt lắm, tê tái lắm. Sài Gòn - Cần Thơ chẳng xa đâu, nếu có một bàn chân trần bắc ngang sông Hậu nối kết mạch giao thông thì đồng lúa quê mình sẽ vàng ươm trĩu hạt hơn, trái ngọt quê mình sẽ đi xa hơn, chuyến xe trên đường hành hương về thăm quê sẽ rút ngắn lại bằng nửa thời gian . Khát khao một sự phát triển vùng châu thổ sẽ phụ thuộc vào huyết mạch từ quê lên phố của đồng bào quê mình. Ta hãy ước ao, một mơ ước đời thường đang đến giữa vòng tay... Đôi hài miền châu thổ.

Mai Khoa , 21/6/2005.

Không có nhận xét nào: