5 thg 9, 2015

Đồi cát… Kê Gà (du lịch Bình Thuận)

Đồi cát… Kê Gà 
26.8.2015-23:45

NVTPHCM- Đoàn đi thực tế của Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh hơn 20 người hăm hở lên đường về Bình Thuận vào buổi sáng sớm cuối tuần tháng tám 2015. Trẻ  có Khánh Chi, Gia Hoà..., già có Thanh Giao, Thạch Cương..., đại tá có Nguyễn Minh Ngọc, Đỗ Viết Nghiệm, lý luận phê bình có Võ Văn Nhơn, Đông La..., còn Trí Thông, Xuân Trường, Nguyễn Vũ Quỳnh, Thùy An, Kim Hài, Nhật Chiêu, Tuyết Sương... thì sương sương cũng trên dưới sáu mươi tuổi. Trưởng đoàn Phan Hoàng (cũng xếp vào lớp trẻ) nói: chuyến "xuất hành" nhiệm kỳ mới này rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới sự "làm ăn" của Hội trong cả nhiệm kỳ.


Xe chạy bon bon trên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây mới mở, chẳng mấy chốc đã đến điểm tham quan núi Tà Cú. Bãi đón khách rộng thênh thang, cây cảnh bông đỏ lá xanh thật quyến rũ, xe điện chạy êm ru, giật mạnh lấy đã leo dốc. Thanh Giao nói: Gần hai mươi năm trước, báo Công an nhân dân mở trại viết cho cuộc thi Cây bút vàng cũng đưa các nhà văn về đây. Lúc đó chỉ có đường mòn lên núi phía bên kia, dốc cao khó trèo. Đi được trăm mét, Nguyên Hùng dừng lại ngồi thở; được vài mươi mét nữa, Nguyễn Khải cũng nói thôi thôi mấy ông leo đi, tôi trở lại dãy quán cóc ngồi nghỉ. Trong đám già, chỉ có Trúc Chi và Thanh Giao lên tới đỉnh. Đoàn ăn bữa cơm chay trên chùa rồi trở xuống cũng phải đến ba giờ chiều mới tới mấy quán tranh tre phơi mình trong nắng rát, đón Nguyễn Khải với Nguyên Hùng. Vậy mà nay, Nguyễn Khải, Nguyên Hùng, Trúc Chi đã thành người thiên cổ... Phải chi còn các anh hôm nay để cùng anh chị em leo lên buồng cáp treo chạy ro ro lên núi rồi ăn nhà hàng đủ các món ngon... Nhưng cáp treo chỉ bay trên ngọn cây, leo núi có thú vui "chinh phục", và cũng có thể nhặt được một câu thơ như Leo núi bất ngờ nhìn thấy biển vì sườn bên kia, cảnh quan tuyệt đẹp chứ không phải chỉ nhìn thấy chõm cây xanh rậm rì...
Nhà văn Trần Thanh Giao và nhà thơ Khánh Chi ngồi lại ghế đá ở núi Tà Cú mà
gần 20 năm trước ông và nhà thơ Trúc Chi - cha của Khánh Chi từng ngồi
Ăn trưa trên đỉnh núi Tà Cú

Chiều, đoàn đến trường Dục Thanh, rưng rưng với bao kỷ niệm của tiền nhân, thắp hương nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh. Rồi thăm đình Vạn Thủy Tú có bộ xương cá Ông dài 22 mét, lớn nhất Việt Nam, giữa dinh còn lưu giữ hơn 100 bộ xương cá voi, gần một nửa trong số đó có niên đại từ 100 đến 150 năm...
Hai nhà văn Thạch Cương và Võ Văn Nhơn nghe thuyết trình về trường Dục Thanh
Từ trái sang: Tuyết Sương, Xuân Trường, Hồng Oanh, Dung Thị Vân, Triệu Từ Truyền
bên bộ xương cá Ông khổng lồ

Sáng hôm sau, đoàn đến đồi cát hồng, cát trắng. Khánh Chi, Gia Hòa, Thanh Giao... lập thành toán mặc quần "sọt" (tiếng Ăng-lê là short chứ không phải mặc... cái sọt) hì hụi leo đồi cát hồng, hí hửng như trẻ con chụp ảnh (leo cát mỏi chân lắm, mặt mày ai nấy lên ảnh đều hồng như giông nướng); rồi thăm hồ Bàu Sen, một cái hồ rộng nước trong xanh ngắt giữa vùng cát cháy khô cằn, và thưởng thức giông xào, giông nướng, con vật "đặc sản" của vùng đồi cát Bình Thuận, uống với bia Sài Gòn...
Đồi cát Mũi Né
Từ trái sang: Bùi Chí Vinh, Thuỳ An, Kim Hài, Triệu Từ Truyền ở Bàu Trắng

Lâu đài rượu vang tuy làm ra để quảng bá thương hiệu nhưng cũng là nơi tạo được cảnh đẹp, đáng xem. Nhiều người thích ngồi vào cái ghế của "lãnh chúa" có hai pho tượng hiệp sĩ cầm giáo đứng hai bên, rồi nâng cái ly... rỗng chẳng giọt rượu nào để chụp ảnh. Của đáng tội là lúc mới xuống hầm, ánh sáng mờ mờ, mỗi du khách được phát một ly đựng chút rượu vang nếm thử khi ngồi xem phim quảng bá rượu vang (du khách phải mua vé vào đây), cũng là một cách kinh doanh hút được khách. Nhưng quả tình là rượu phát không uống dở quá. Bùi Chí Vinh xúi Triệu Từ Truyền mua một chai đang bày trên kệ. Nhà thơ "hột nhưn tâm linh" (Triệu Từ Truyền vừa có tập thơ "Hạt sứ giả tâm linh" khá nổi đình đám) xem nhãn chai rượu vang, thấy rượu cũng xoàng, hỏi giá mắc hơn ở Sài Gòn nhưng cũng rút thẻ ra quẹt, trả tiền, bảo khui rượu uống ngay tại chỗ thì được báo tiền mở nút chai tính thêm 10%. Cũng OK luôn để vui lòng bè bạn. Chai rượu này uống có khá hơn (trả tiền mà chứ đâu phải rượu phát hàng loạt) nhưng cũng chưa phải loại "đẳng cấp". Cũng khá khen thay cho người có ý tưởng kinh doanh "cái máu học làm sang" của ai nổi máu "trưởng giả học làm sang"*... Đó cũng là một thứ học phí... 
Trương Gia Hoà và Phan Hoàng "nhóm lửa" trong lâu đài rượu vang
Bùi Chí Vinh “sảng khoái” rượu vang với Tuyết Sương, Hồng Oanh và Nhật Chiêu

Đi suốt ngày không nghỉ, mệt hết hơi, khi trở về khách sạn chỉ còn hơn nửa tiếng tắm rửa để đến buổi giao lưu với các bạn văn nghệ sĩ Bình Thuận theo lời hẹn trước. Vội vội vàng vàng xuống sảnh khách sạn thì... ngạc nhiên chưa, các bạn gái trong đoàn đã tề tựu đông đủ, khác mọi khi còn phải chờ nhau. Mai Khoa diện bộ váy hồng thêu hoa lóng lánh, Hồng Oanh cũng xinh đẹp không kém, Dung Thị Vân và Tuyết Sương thì mặt mũi như hoa. Thuỳ An, Kim Hài kín tiếng nhưng nụ cười đã nở trên môi. Còn hai cô gái trẻ Khánh Chi và Gia Hòa thì trời cho trẻ trung phơi phới... Đến nơi chỉ chậm có... vài phút, rõ ra dân Sài Gòn đúng giờ. Đã thấy La Văn Tuân đứng đón ở bến, tay bắt mặt mừng dắt vào trụ sở Hội, năm nay cũng khang trang đẹp đẽ lắm. Thanh Giao bắt tay Đỗ Kim Ngư, Văn Thoại Nhiên và các bạn già, bạn trẻ Bình Thuận hỏi rằng Cố nhân ơi, cố nhân ơi / Gặp nhau có thấy bồi hồi hay không. Phó Chủ tịch phụ trách Hội VHNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hoà, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh Phan Hoàng mỗi người nói mấy câu diễn từ, đáp từ, rồi giới thiệu Thanh Giao và Thạch Cương phát biểu. Thanh Giao nói các bạn gái chúng tôi háo hức, nhanh chóng sửa soạn đến đây như đến nơi hò hẹn với người yêu, được mọi người vỗ tay tán thưởng. Hình như có tiếng cười khúc khích và ai đó bảo rằng Liên Tâm nói phải giới thiệu Thạch Cương trước rồi tới Thanh Giao, vậy mới đúng "qui trình" (cô gái này thông minh lắm). Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng ngâm thơ..., cứ xen kẽ mỗi bên một lần như trai gái hát giao duyên tưởng không bao giờ dứt... Trước khi chia tay, mọi người còn hẹn gặp nhau, hẹn giúp nhau trong nghề, gắn bó trong tình thân quí...
 
 
Giao lưu văn nghệ sĩ Sài Gòn và Bình Thuận

Buổi sáng ngày về, xe chạy theo đường ven biển mới mở, cát trắng biển xanh nhìn tuyệt đẹp. Xe ghé mũi Kê Gà để anh chị em ra thăm hải đăng. Trèo qua đường đá gập ghềnh trơn trợt mà sóng biển hàng triệu năm bào mòn, mọi người ồ lên thú vị khi thấy một cột đá thật to chĩa xéo lên trời giống hệt một lin-ga vĩ đại! Mọi người xúm lại thi nhau chụp ảnh lia lịa. Rồi cởi giày, tháo tất, xắn quần lội xuống bãi biển, lên ca-nô ra đảo với ngọn hải đăng lừng lững ngoài xa. Đây là ngọn hải đăng cao nhất (từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 mét) và cổ xưa nhất Việt Nam (xây dựng 1898). Thuỳ An, Kim Hài, Gia Hoà... ngồi hóng mát trên những bậc đá xanh của con dốc dẫn lên tháp đèn, dưới hàng cây đại xù xì nghe nói được trồng từ khi có tháp. Trên đường ra về, Xuân Trường bị bệnh gút hành cũng tập tễnh bước chân cho kịp Khánh Chi trẻ trung xinh đẹp... Kê Gà thật là điểm tham quan kỳ thú mà ai về Bình Thuận cũng không nên bỏ qua.
Xuân Trường đứng chờ Khánh Chi cột giày để đưa lên… Kê Gà
Thạch Cương (ngoài cùng bên phải) cùng Võ Văn Nhơn, Bùi Chí Vinh, Trần Trí Thông,
Nhật Chiêu, Nguyễn Minh Ngọc, Hồng Oanh tại cổng Hải đăng Kê Gà

Lên xe, ấn tượng của cái lin-ga vĩ đại vẫn khiến câu chuyện thêm rôm rả. Mọi người chọc ghẹo Thạch Cương. Thanh Giao xướng lên:

Đi ra tới mũi Kê Gà
Thấy hòn đá chổng lin-ga lên trời
Mọi người chụp ảnh tơi bời
Thạch Cương khoái chí liền cười ha ha          
                                                                 
Triệu Từ Truyền tiếp theo:
Bây giờ ta mới gặp ta

Một giọng Nghệ Tĩnh cất tiếng oanh êm ái:
Thạch Cương hình tượng nó là như ri!

Cả xe cười nghiêng ngả. Minh Ngọc rồi Trí Thông và nhiều người nữa  kể chuyện tiếu lâm cười đau cả bụng...

Đến trưa, xe dừng ở một quán sát bờ cát trắng biển xanh lóa mắt, anh chị em ăn cơm, ăn cả gió mát biển trong... Lên xe trực chỉ Sài Gòn, ai cũng mệt phờ, lim dim ngủ, không còn sức đâu thơ phú hát hò. Vài giờ sau, lại sức, Dung Thị Vân ngồi cạnh Thanh Giao ghé qua ghể Triệu Từ Truyền bảo thấy anh Giao ngủ em cứ muốn đập đập... Thanh Giao tỉnh ngủ, dựng thành ghế hỏi đập đập à? Liền kể một câu chuyện:

Hai vợ chồng nhà văn đi trại sáng tác. Tất nhiên trưởng trại xếp hai người đó một phòng. Nhà thơ vợ suốt ngày đi dọc bãi biển, ngắm cảnh đẹp, tìm ý thơ. Nhà văn chồng thì miệt mài gõ cho xong mấy chương tiểu thuyết. Đêm đó trăng sáng đầy trời, biển rào rạt sóng. Anh chồng đang ngủ bỗng thấy có bàn tay dịu dàng đập đập lên ngực, mở mắt ra hỏi gì đó em. Chị vợ bèn đọc một khổ thơ yết hậu:

Trăng thanh gió mát để mà chi
Gõ máy liên miên lại ngủ khì
Thức dậy anh ơi chiều em tí
                    Đi!

Anh chồng còn buồn ngủ nên đáp:

Anh ngồi gõ máy mấy hôm rày
Mỏi cả xương sườn nhức cả vai
Chuyện ấy em ơi thôi gác lại
                   Mai!

Được một lúc, lại thấy bàn tay đập đập, và tiếng giục dậy càng tha thiết... Không còn cách nào khác, anh bèn đọc:

Ngủ chung mới thấy bực làm sao
Mình muốn nằm yên họ đập gào
Đã thế thì anh chiều tới bến
                   Nào!  

Xe về tới cổng 81 Trần Quốc Thảo rồi mà tiếng cười, tiếng nói vẫn còn luyến lưu...

TUYẾT THANH
(Rút trong tập Chuyện vui làng văn)

____________  
* Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois gentilhomme) là một trong những vở hài kịch thành công nhất của Môlie. ông đã tạo nên bức tranh xã hội Pháp thế kỷ XVII vô cùng sinh động và chân thật.

Không có nhận xét nào: