20 thg 11, 2022

HOA SÓNG BIỂN QUÊ TA

Kỷ niệm ngày cưới 18/6

Thơ Mai Khoa


Em mượn lời của sóng

Dào dạt bến bờ yêu

Em mượn lời của gió

Bay cao những cánh diều


Tháng Sáu của mong đợi

Lời tỏ tình năm xưa

Dưới trời mưa lất phất

Sau xe em nhẹ thưa!


Chiếc xe đạp cũ kỹ

Như tình anh và em 

Chở bao nhiêu mơ ước

Từ những vòng xe lăn


Anh bảo thích trời mưa

Hai ta cùng rong ruổi

Tắm mưa như trẻ thơ

Như ta không có tuổi


Tháng Sáu xưa anh bảo

Ta về chung một nhà

Sẽ cùng nhau vun đắp

Những mầm non nở hoa


Em của ngày hôm qua 

Lung linh trong nắng sớm

Những đứa trẻ đã lớn

Nay tóc chẳng còn xanh


Em nói nhỏ nghe anh

Hơn lục tuần rồi đó

Kỷ niệm ngày hợp hôn

Anh tặng em gì nhỉ?


Mà thôi anh! Đừng nghĩ

Ta lại về biển xanh

Lại nhờ từng hoa sóng

Rì rào tặng em... anh...!

 

Kỷ niệm: Ngày ta về chung một nhà 18/6/2022.

(Xưa có xe đạp mà đi là tốt rồi)

18 thg 11, 2022

CHO NGÀY SINH NHẬT


Lần thứ 64


Thu Hà Nội quyến rũ

Thu Sài Gòn thiết tha

Tình thơ văn dào dạt

Nuôi lớn tâm hồn ta


Thời gian như nước chảy

Mới đó thoắt mười năm

Sài Gòn bao lưu luyến

Trổ muôn hoa giữa rằm


Trăng thanh rồi trăng lặn

Mùa đến rồi mùa đi

Chỉ còn ta năng nhặt

Ngày tháng xếp nhu mì


Biết bao mùa lá rụng

Biết bao buồn phôi phai

Giờ gom vào hành lý

Gia tài nhẹ nắng mai.


Mai Khoa

15/11/2022

*********************

Thơ

Bạn bè trong ngày sinh nhật 15/11/2022


Em yêu mùa hoa cải

Em thương sợi nắng vàng

Em nhớ biển mênh mang

Em chờ Thu thay lá


Sóng ơi! Đừng vội vã

Cây bàng già trăm năm

Quê hương tình sâu nặng

Như trăng rằm sáng soi.

Đất Rồng


Nhà thơ Trần Thị Tố Nga:


Nồng nàn Thu Hà Nội 

Hạnh phúc nhé cặp đôi 

Chúc người đẹp khg tuổi 

Nụ tầm Xuân rạng ngời 


Nàng dâu ngoan hiền thảo

Mẹ đảm lại ₫a tài 

Phụ nữ ₫ựơc mấy ai

Mười phân 

Vẹn mười vậy


Chúc tốt lành may mắn 

hạnh phúc nhé MKhoa! TTTN


Anh Nguyễn Trung Chuyến:


Sáu tư mùa thay lá 

Từng ấy mùa thu qua 

Nhưng tình yêu Hà Nội 

Vẫn đọng mãi trong ta

Bao năm tháng đi qua 

Bao vui buồn nếm trải 

Chỉ tình yêu còn mãi

Cùng đất trời cỏ hoa 

Vũ trụ dẫu bao la 

Thời gian dù vô tận 

Nhưng tình yêu , tình bạn 

Vẫn luôn mãi đong đầy... 


Với Mai Khoa và Đất Rồng _ Chúc mừng sinh nhật nhà thơ MK

NTC

4 thg 9, 2022

"TRĂNG VÀ BÉ" Thông điệp của tình yêu thương dành cho trẻ

 Trăng và bé” – Thông điệp của tình yêu thương dành cho trẻ

 

(Nhân đọc tập thơ thiếu nhi Trăng và bé của Phạm Thị Mai Khoa 

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022)

                                                                                      Nguyễn Văn Hòa

Trăng và bé, tập sách viết cho thiếu nhi mới nhất của nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (6/2022)Trăng và bé khá đầy đặn với nhiều nội dung phong phú, thiết thực và bổ ích (phần chính gồm: 53 bài thơ, 2 câu đố; phần phụ bản: 5 ca khúc phổ thơ, 2 mẩu truyện). Trong buổi ra mắt tập thơ này, Phạm Thị Mai Khoa chia sẻ: “Tôi rất vui, vì đã làm đượđiều mà lâu nay mình ấp ủ, bao tâm huyết, công sức để có tập sách giờ đã trở thành hiện thực, Trăng và bé chính thức được khai sinh”.

Ở tập sách Trăng và bé, nhà thơ đã làm cuộc hành trình đi qua nhiều khoảng thời gian, không gian khác nhau để trẻ khám phá và trải nghiệm bản thân. Từ những chuyến tham quan, du lịch đến những những sinh hoạt thường nhật bé đều có những cảm nhận riêng. Đó cũng là cơ hội để trẻ tiếp thu và mở rộng sự hiểu biết, và quan trọng hơn hết là mở ra khoảng không gian và thời gian lý tưởng cho trẻ.

Nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa giờ đã là bà (nội/ ngoại) của các cháu và đặc biệt là những đứa cháu này của nhà thơ đều sinh ra và lớn lên ở phố. Ở phố thị, ưu thế hơn vùng nông thôn đó là trẻ sẽ được hưởng những phúc lợi của thành phố. Tuy nhiên, trẻ ở phố sẽ cónhững thiếu hụt nhất định so với vùng nông thôn. Đó là các em không được gần gũi với thế giới tự nhiên -khoảng trời lý tưởng của tuổi thơ: cây cối, hoa lá, ruộng đồng, sông suối và cả thế giới loài vật... Có lẽ hiểu được những thiệt thòi đó, người bà Mai Khoa đã làm nhịp cầu giúp cháu khám phá một cách hiệu quả nhất về thế giới xung quanh.

Chủ thể trữ tình/ nhà thơ - người bà xuyên suốt trong tập thơ Trăng và bé cũng chính là người bà ngoài đời thực của cháu. Đây vừa là sự thuận lợi để bà - cháu trao đổi, tâm tình. Bà trực tiếp chỉ dạy và giáo dục cháu kỹ lưỡng nhất, hơn nữa bà là người có nhiều trải nghiệm; bà hiểu tâm lý của cháu, biết cháu yêu - ghét và khao khát, mơ ước điều gì...

Thơ thiếu nhi Mai Khoa viết một cách tự nhiên, hồn hậu. Câu chữ được bật ra từ chính trái tim yêu thương của mình dành cho cháu. Đây cũng là dịp để chị thả hồn mình trở về sống lại những năm tháng tuổi thơ.Chị hóa thân và nhập vai để nói lên những điều trẻ suy nghĩ, trẻ hành động, khát vọng được sẻ chia để thực hiện những ước muốn, những điều còn hoài nghi hoặc chưa có câu trả lời. 

Mẹ ơi ông trăng/ Ăn gì hở mẹ/ Ông ở cao thế/ Làm sao về nhà// Con có ông bà/ Có cha có mẹ/ Ông trăng một mình/ Chắc buồn lắm đấy// Con muốn làm bạn/ Cùng ông trăng đầy/ Đêm đêm tỏa sáng/ Cười cùng con đây (Trăng và bé).

Tập làm người lớn/ Không dễ tí nào/ Không nói ồn ào/ Khi em đang ngủ// Không vòi vĩnh mẹ/ Không được khóc nhè/ Theo gương người lớn/ Ru em ngủ ngoan// Tập làm người lớn/ Từ nay chăm hơn/ Bé được làm chị/ Trông thật đáng yêu (Bé làm chị hai).

- Lên cao thì thấy trời gần/ Bà Nà mây trắng nắng trần ngoài xa/ Lưng trần ngắm núi ngắm hoa/ Cháu bà thích chí tưởng là động Tiên (Bà Nà Hill).

Trên mỗi chặng đường, mọi sinh hoạt, học tập, dạo chơi đều có những bài thơ nhỏ xinh ghi lại cảm xúc trong cách nhìn trong trẻo, tự nhiên và đầy hứng khởi.Xíu ơi anh đau lắm/ Nhà mình nghèo làm sao/ Không tiền đi bệnh viện/ Bố mẹ mất từ lâu// Xíu nghe dì Sáu bảo:/ Bệnh của Tí phải có/ Phép màu thì mới qua/ Vò đầu xíu thắc mắc/ Phép màu mua ở đâu?// Đồng tiền Xíu có được/ Nhờ đập bụng chú heo/ Hỏi thăm người mách bảo/ Tìm đường mua phép màu// Theo hướng tay chỉ dẫn/ Cuối đường ở khúc quanh/ Bệnh viện nhiều bác sĩ/ Phép màu... ước mơ xanh// Tại cửa phòng khám bệnh/ Xíu gặp cô rất xinh/ Nhìn nét mặt hiền hậu/ Ngước mắt bé khẩn cầu// Cô ơi cho con hỏi/ Phép màu mua ở đâu/ Cô ân cần tìm hiểu/ Bé thưa, anh cháu đau// Bố mẹ thì mất sớm/ Anh phải đi làm thuê/ Người ta nói ở đây/ Có rất nhiều phép màu// Cô y tá tươi cười/ Hỏi đường về nhà cháu/ Thăm bệnh tình của anh/ Cô ân cần hứa giúp// Phép màu cô có được/ là một tấm chân tình/ Giúp nhau khi gặp nạn/ Cùng xóm làng bao dung// Bé hiểu rồi cô nhé/ Phép màu là tình thương/ Anh Tí sẽ hết bệnh/ Nhờ tấm lòng hảo tâm (Phép màu tình thương).

Nhà thơ Mai Khoa cúng rất khéo để hướng trẻ quan tâm về thế giới tự nhiên và làm những việc có ích để giúp đỡ ông bà, bố mẹ. Trẻ phát hiện cái đẹp, sự thích thú của cỏ cây, hoa lá, loài vật... 

Trước ngõ hàng dâm bụt/ Bà mới trồng lên xanh/ Bàn tay lá rất xinh/ Níu chân em mỗi sớm (Hàng dâm bụt).

- Xòe đôi cánh nhỏ/ Cái mỏ xinh xinh/ Đôi mắt tinh anh/ Ngó nghiêng tìm mẹ// Cánh rừng vui vẻ/ Lích chích tiếng chim/ Từ trên tầng cao/ Mẹ đang chao liệng// Mồi ngon mẹ nhịn/ Giành phần cho con/ Một bầy chim non/ Lích chích lích chích (Chim non).

......................

Đó cũng là cách giáo dục cho trẻ ý thức trách nhiệm, tình thương, sự quan tâm, sẻ chia với người thân, bạn bè và thế giới xung quanh. Mẹ bận nấu cơm/ Chị chăm em bé/ Cánh võng hai đầu/ Bé nằm ở giữa// Ca dao đầu đời/ Mẹ ru chị ngủ/ Nay chị ru em/ Con cò bay lả... (Ru em).

Kinh koong là một bài thơ thể hiện rõ sự đáng yêu cả trong từng ánh nhìn, cả trong từng suy nghĩ và hành động của bé. Sự tự thức của trẻ về những điều hay, lẽ phải là điều đáng quý vô cùng.

Xe đạp ba bánh/ Xanh màu lá mạ/ Quà của ba mẹ/ Tặng bé lớp chồi// Bé học thuộc bài/ Giao thông trật tự/ Đi trên đường phố/ Không chạy ngược chiều// Dù vội bao nhiêu/  Đèn đỏ đứng lại/ Không đi lên vạch/ Không vượt sai trái// Bé học thuộc bài/ Tham gia giao thông/ Đội mũ bảo hiểm/ Kính koong kính koong// Chấp hành nghiêm chỉnh/ Luật lệ giao thông.

Mọi thắc mắc, hoài nghi từ thế giới tự nhiên, hay chính trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được thể hiện qua những lời thơ chân thành, bình dị. Đó là thế giới muôn màu, là sự sống đang diễn tiến rất sôi động, lý thú. Nhà thơ đã làm phép liên tưởng, so sánh theo kiểu của trẻ thơ nên có những điều rất đáng yêu và ngộ nghĩnh. Nhìn hoa lưỡi cọp ở vườn nhà thì lại có sự đối sánh rất thú vị: Cọp ở trên rừng/ Sơn lâm chúa tể/ Cọp trong vườn nhà/ Nụ cười xinh thế. Nhìn thấy mặt trời dậy sớm, bé lại có cách nhận xét và đánh giá bằng cái nhìn trong trẻo: Ông mặt trời ngoan lắm/ Thức dậy rất đúng giờ/ Vầng hào quang rực rỡ/ Phía chân trời ngoại ô (Mặt trời dậy sớm).

Liên tưởng là quy luật của nhận thức và cũng là quy luật của cảm xúc. Nhờ liên tưởng mà cảm xúc được mở rộng và đi vào chiều sâu. Sự liên tưởng làm cho cảm xúc thơ phong phú và đa dạng. Vì vậy, Phạm Thị Mai Khoa đã sử dụng nhiềphép liên tưởng trong khi miêu tả và phản ánh. Bên cạnh đó, chị chọn thể thơ 4 chữ, 5 chữ làm sáng tác chủ đạo. Đó cũng là lợi thế để chuyển tải những thông điệp, phù hợp  với khả năng quan sát và tiếp nhận đối với trẻ.

Ở Trăng và , nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa đã biết kế thừa tinh hoa của những bài đồng dao vào thơ của mình với nhịp thơ có điệu thức, gần gũi với đồng dao nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại. Đem đến cho thơ thiếu nhi một không khí mới, một sắc thái mới. Đó là ở cảm xúc và dấu ấn của cái tôi cá nhân

Điều đặc biệt, trong tập sách này có 5 bài thơ được phổ nhạc, trở thành 5 ca khúc hay. Búp sen, Kinh koong, Bé đi mẫu giáo, Mèo con được nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ nhạc với những giai điệu vui nhộn, trữ tình. Trăng và bé cũng không kém phần hấp dẫn bởi lời nhạc dịu êm, da diết của Bùi Quang Ân.

Bên cạnh những ưu điểm như đã nói ở trên thì tập sách này còn có hạn chế nhất định, đó là có một vài bài, một vài chi tiết, hình ảnh, câu chữ... còn gượng ép ngay trong cảm xúc, suy nghĩ vì có bóng dáng kiểu tư duycủa người lớn. 


Nguyễn Văn Hòa

Email: nguyenvanhoa.phuyen@gmail.com 

Điện thoại: 0984.833.247

NGƯỜI MẪU MIỀN TÂY Sóc-Thỏ


Áo nâu sòng làng quê yên tĩnh

Chiếc khăn rằn duyên dáng điểm duyên 

*^*

Từ thuở cha mẹ sinh em

Đến nay mới biết thời trang quê nhà

Câu ca che chở cánh cò

Một sương hai nắng câu hò miền Tây.

(Bà nội thấy hai cháu đáng yêu 


*


Sóc Thỏ đi du lịch BẾN TRE 2/9/2022




1 thg 9, 2022

HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN


Thơ Mai Khoa

Nhân ngày gia đình Việt Nam

(2001-2022)


Cây lớn được do đất lành vun xới

Đất dưỡng cây, dinh dưỡng chẳng tiếc mình

Cây có đất nhờ đó mà nên xanh

Vươn cành lá đón bình minh rạng rỡ


Cây nhờ nắng mà tràn đầy nhựa sống

Mỗi ngày lên quang hợp để sinh xôi

Có một điều "đau" để lớn "lẽ đời"

Ai cũng hiểu mà không đành, không nỡ


Có khổ đau mới vượt qua giông tố

Có va vấp mới khôn lớn trưởng thành

Cây và đất, hoa và cả trời xanh

Tất cả đều trong lòng vũ trụ


Mỗi sát na thức tỉnh muôn điều "ngộ"

Là tình yêu vạn vật ở quanh mình

Ta dưỡng cây, xum xuê chờ trái ngọt

Cần mỗi ngày chăm bón, tỉa cành


Có đau đớn mới có lộc ngày xanh

Có mất mát mới trở thành vững chãi.


Ngày 27/6/2022


.. " Có đau đớn mới có lộc ngày xanh

Có mất mát mới trở thành vững chãi 

Có cho đi mới có gì còn lại 

Hạnh phúc là gì ? Đơn giản chỉ vậy thôi... 

Chắp cùng Mai Khoa cho khổ thơ cuối đủ 4 câu và cũng hợp với tựa đề của bài thơ

TG: Nguyễn Trung Chuyến.

MƯA THÁNG BẢY

 


Ễnh uôm vỡ giọng sau hè

Cơn mưa trút xuống mà nghe não lòng

Tuần nhang đã khép một vòng

Vu lan báo hiếu con trông đợi người


Mấy mùa mưa bão dần trôi

Mấy mùa con thiếu ấm hơi mẹ hiền

Vẫn mong tìm được giấc tiên 

Mẹ ngồi chải tóc ngoài hiên mỉm cười


***

Cơn mưa thấm ướt cả chiều

Mẹ về trong những câu Kiều ngày xưa

Giàn trầu vàng lá đung đưa

Thắm môi mẹ có cau vừa bổ xong

Trầu vôi đong đủ mặn nồng

Tình thương gói cả tấc lòng mẹ yêu!


Rằm tháng bảy vu lan 2022

Quỳnh Long, 12/8/2023

Bình thơ DUONG CẦM ĐÁNH THỨC CAO NGUYÊN

 Khi Tuyển tập thơ "Ánh nhìn nơi ấy" của Mai Khoa vẫn đang trong nhà in và đột ngột MK bị xây xẩm tiền đình phải nhập viện. Bao nhiêu việc chuẩn bị cho buổi ra mắt bị ngưng trệ. Bài viết chị gửi cũng phải chờ sức khoẻ bình phục, bởi chị bị sốt siêu vi 1 tuần. Thời gian gấp gáp không kịp trở tay mà thư mời đã gửi hết. Lo lắng... thế rồi chị đã đến với em bằng cảm xúc chân thành, em không được đau ốm lúc này... mạnh mẽ lên nào Mai Khoa và Nguyên Tâm chị yêu!

--------------- 

 

Chị gửi cho em bài bình đây, Chị chỉ chọn một bài vì ko nhiều thời gian. Một trong số thơ trong tuyển tập "ÁNH NHIN NƠI ẤY" của nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa.

 

MAI KHOA với Dương cầm đánh thức cao nguyên

(Nguyễn Thị Liên Tâm

Tiến sĩ ngôn ngữ - Lý luận phê bình)

 

Chị gửi cho em bài bình đây, Chị chỉ chọn một bài vì ko nhiều thời gian . Em xem nhé. Có gì thì trao đổi lại, Chúc buổi ra mắt thành công. .

 


MAI KHOA với Dương cầm đánh thức cao nguyên

 

 Những âm thanh du dương réo rắc của tiếng dương cầm một thuở sẽ không lạ lẫm với những người yêu âm nhạc. Nhưng sẽ thành lạ lẫm khi tiếng đàn ấy được cất lên để đánh thức cả một không gian bao la của hoa lá cỏ cây, của sương mù bảng lảng, của đèo dốc chập chùng…

  Bởi đối với người thơ Mai Khoa, âm thanh dương cầm luôn có sức mạnh diệu kỳ. Bài thơ Dương cầm đánh thứccao nguyên là một bài thơ hay,viết theo thể bảy chữ, được in trong tập Ánh nhìn nơi ấy- NXB HNV, vừa mới trình làng của chị.

 

Ta hãy cùng đọc chậm bài thơ:

 

Phượng tím chênh vênh đậm nét duyên

Ven hồ sóng lặng một giấc tiên

Sơn khê mây núi miền sương khói

Ảo ảnh mờ quanh phố cao nguyên.

 

"Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi”

Dương cầm réo rắt cố nhân ơi!

Lưng trời gió núi ngưng hơi thở

Lòng bỗng hoà tan giữa đất trời

 

Người gieo tiếng nhạc cung trầm nhớ

Thánh thót bềnh bồng đón gió lên

Giữa miền trắng nước hồ sơn cước

Dương cầm đánh thức phố cao nguyên.

 

Sơn thủy hữu tình vang khúc nhạc

Du dương bay bổng giữa thinh không 

Tiếng nhạc mênh mang lăn tăn sóng

Dư âm vương vấn chốn phiêu bồng.

 

Có thể nói, đây là bài thơ chị dành riêng cho Đà Lạt mộng mơ với thông reo, với phượng tím, với sóng hồ Thanh Thủy, với mấy nẻo sơn khê, với sương mây khói phủ, với ảo ảnh dốc đèo phố thị cao nguyên…  

 

Phượng tím chênh vênh đậm nét duyên

Ven hồ sóng lặng một giấc tiên

Sơn khê mây núi miền sương khói

Ảo ảnh mờ quanh phố cao nguyên.

 

Môt chút cổ điển trong giọng thơ, nhưng lại tạo nên sự hoài niệm mông lung.

Khi đọc câu thơ đầu tiên, “Phượng tím chênh vênh đậm nét duyên”, chắc nhiều người sẽ tự hỏi: vì sao nhà thơ lại dùng từ “ chênh vênh’ để miêu tả những cành phượng tím đặc trưng, đẹp một cách hút hồn nơi xứ lạnh thâm trầm. Nhưng nhờ thế, ta có thể cảm nhận được nét duyên thầm của phượng, tựa như những O Huế với áo tím mộng mơ và vành nón che nghiêng bên mặt hồ lặng sóng. Và giấc tiên êm đềm đã đến giữa thung lũng khói mây, giữa núi non chập chùng… chẳng là “ chênh vênh” lắm sao?

      Cảnh thực, cảnh mơ như quyện vào nhau khiến cho người ta nhớ, người ta thương … Đà Lạt yêu kiều.

Trong không gian vừa xa vừa gần rất thơ mộng ấy, như chốn xa xôi bèo dạt mây trôi ấy, tiêng dương cầm réo rắc đã vang lên, như thảng thốt gọi “ cố nhân ơi”.

 

"Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi”

Dương cầm réo rắt cố nhân ơi!

Lưng trời gió núi ngưng hơi thở

Lòng bỗng hoà tan giữa đất trời

 

Tâm động bởi tiếng đàn xưa? Bởi nhớ người xưa? Chắc chắn thế. Nhưng ai nhớ? Không biết! Nhưng làm tâm can người đọc cũng động theo. Và vẩn vơ buồn cùng tiếng đàn, tiếng gọi cố nhân não nuột. Những âm thanh khác như ngưng đọng, như im bặt, cả gió núi cũng như “ ngưng thở”. Tim người cũng thế, Nhưng rồi, sẽ vỡ òa ra, cho tan hòa như giao cảm, như hợp thành điệu nhớ, điệu thương.

 

Người gieo tiếng nhạc cung trầm nhớ

Thánh thót bềnh bồng đón gió lên

Giữa miền trắng nước hồ sơn cước

Dương cầm đánh thức phố cao nguyên.

 

Ai gieo tiếng nhạc cung trầm nhớ? Ai gieo tiếng nhạc thánh thót  đón gió lên? Tiếng đàn gợi hoài kỷ niệm. Tiếng đàn đánh thức  phố núi cao nguyên. Làm sao không vọng động trái tim chủ thể trữ tình trong bài thơ, để phải thốt lên: cố nhân ơi hỡi”.

Sơn thủy hữu tình như đang chơi vơi cùng phiến nhạc. Thinh không cũng đang lặng lẽ thẩm âm thanh. Sóng nước cũng đang miệt mài hòa âm điệu.  

 

Sơn thủy hữu tình vang khúc nhạc

Du dương bay bổng giữa thinh không 

Tiếng nhạc mênh mang lăn tăn sóng

Dư âm vương vấn chốn phiêu bồng.

 

Cả một không gian xao động. Cả một không gian bàng bạc chất thơ. Tiếng dương cầm như đang hòa vào những “mênh mang lăn tăn sóng”. Lăn tăn sóng hay “gờn gợn sóng”? Và những dư âm như “vương vấn chốn phiêu bồng”.“Chốn phiêu bồng hay “ cõi” phiêu bồng?

Đồng nghĩa cả thôi. Hay cả thôi.  Lăn tăn và gờn gợn, chốn và cõi. Nhưng “ gờn gợn” và “ cõi” sẽ tạo nên nhạc điệu, tạo nên sự hài thanh, tạo nên hình ảnh sắc nét hơn, cho hai câu kết ru tình hơn, và sẽ tác động sâu đến tim người đọc.   

Tiếng nhạc mênh mang gờn gợn sóng

Dư âm vương vấn cõi phiêu bồng.

Mai Khoa thử cảm nhé.

Và cũng cảm ơn nhà thơ đã cho người đọc thưởng thức “Dương cầm đánh thức cao nguyên”, một bài thơ hay viết về cảnh và người Đà Lạt, về tình yêu và nỗi nhớ trong khúc du dương của tiếng dương cầm.  

 

 

Nguyên Thị Liên Tâm 

( TS ngôn ngữ - Lý luận phê bình- trường Đại học Bình Thuận)