16 thg 5, 2012

THIẾU TƯỚNG NGUYỄN NGỌC LÂM


KHOẢNG LẶNG CỦA KÝ ỨC
Minh Ngọc

Tôi gặp lại ông – người lính đi bộ khắp Đông Dương trong cuộc chiến tranh sinh tử của đất nước từ những năm tháng ác liệt nhất của mùa xuân năm 1968 vào những ngày tháng 5 lịch sử. Trong căn nhà nhỏ ở Phan Kế Bính, ông – vị tướng có đôi mắt sắc mạnh mẽ, người lính dũng cảm với nét cương nghị trên gương mặt thông minh năm xưa giờ thật hiền hậu đời thường trong vai trò làm ông vui cùng cháu ngoại. Giấu phía sau cuộc đời chinh chiến dự dội ông đã trải qua là hiện tại cuộc sống mỗi ngày vẫn bình yên phiá bên ngoài cánh cửa. Mỗi ngày sống là một ngày ơn trời đã chở che cho những người lính như ông vượt qua bão đạn để trở về vẹn nguyên trong thời bình. 

 Tại nhà anh Lâm - từ trái hang đứng anh Hoàng Liêm, anh Nguyễn Ngọc Lâm
Mai Khoa và các bạn huong, Nguyễn Đình Xuân PV Báo QĐND (3/2012)
Trời tháng năm đầy nắng, ngày sinh nhật Bác đang đến gần, trong một ngày bình yên này, ông thấy đời trôi qua thật nhẹ. Chiến tranh đã lùi xa trong đời sống bộn bề nhiều thay đổi nay, lùi xa, hay chỉ còn là một vệt nhớ trong ký ức không mờ phai của người lính về nhận nhiệm vụ bảo vệ Lăng Bác Hồ trong hơn 30 năm qua trên Quảng trường Ba Đình này. Cương vị của một Thiếu tướng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng cũng đã lùi xa, chỉ còn lại là những kỷ niệm, những sự kiện làm dày thêm lớp lớp trong ký ức cất giấu quá nhiều trầm tích của một người lính dạn dày nhiều trận mạc như ông.

Ngồi cùng tôi trong một ngày mùa hè giữa tháng 4 lịch sử. Câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm rồi cũng trở về với nỗi nhớ sâu thẳm mà dâng đầy, chỉ một chút gợi nhắc thôi đã tuôn chảy ào ạt. Đó là nội nhớ về những năm tháng làm người lính đi bộ khắp Đông Dương. Ngày 24.4.2012 chính là tròn 44 năm ông cùng những người lính mười tám đôi mươi vác ba lô lên đường hành quân vào chiến trường B máu lửa.

NHỮNG TRẬN ĐÁNH HÚT CHẾT

Trong dòng chảy của ký ức. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm vẫn xúc động khi nhớ về những trận đánh hút chết ngay từ những ngày đầu tiên rời doanh trại huấn luyện để tiến sâu vào chiến trường B. Những cuộc đụng độ nảy lửa và một mất một còn khiến cho người lính trẻ như ông sớm trực diện với cái gọi là khái niệm chiến tranh mà chưa bao giờ ông có thể hình dung được. Không có tập dượt, không có những thử nghiệm, người lính trẻ là ông ngay trong những ngày đầu tiên cùng đơn vị hành quân ở ngọn núi Chư Pa vào mùa hè nảy lửa ở miền Trung đã đụng độ bất ngờ với địch. Trận Chư Pa là trận đánh thử lửa lòng dũng cảm, sự mưu trí nhanh nhẹn và thông minh của những người lính trẻ vừa qua khóa huấn luyện 2 tháng trước khi vào chiến trường trong một tình huống bất ngờ. Trận ấy trung đội của ông đang hành quân ở lưng chừng núi thì gặp địch đang hành quân từ trên núi xuống. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, cả hai bên đều bị động và nổ súng bắn nhau ác liệt. Cả trung đội của ông Lâm chỉ có vỏn vẹn 15 người, trong khi đó phía địch là cả một lực lượng lính Mỹ khá hùng hậu. Căn cứ vào việc xả súng đạn và hỏa tiễn của kẻ thù, ông Lâm phán đoán ngay tương quan lực lượng giữa hai bên. Trung đội của ông phải chia nhỏ ra dàn trận và liên tục nổ súng vừa đánh trả, vừa vờ hăm  dọa kẻ thù là bên quân giải phóng lực lượng cũng rất đông. Quần thảo nhau đến 14 giờ chiều, phía ta hy sinh 6 người, 8 người bị thương nhẹ cũng phải cố gắng dàn lực lượng ra để nổ súng đánh lừa địch lầm tưởng là bên mình còn đông lực lượng. Thật may, trận đánh diễn ra gần 1 cái hang núi, Ông Lâm vừa chống trả vừa  cõng tử sĩ, thượng binh vào hang để bảo vệ tử sĩ vào bảo toàn lực lượng khỏi trận càn quét khát máu của địch. Qui luật của Mỹ là đánh đến tầm 16 giờ chiều là chúng co cụm lại chuẩn bị hầm hố. Những gì vừa trải qua trong trận đánh đầu đời của người lính trẻ lúc này đã gieo vào trực cảm, suy nghĩ và trái tim của người thanh niên 18 tuổi Nguyễn Ngọc Lâm một ấn tượng khủng khiếp về sự ác liệt của cuộc chiến sinh tử này khi cả trung đội 15 người hy sinh mất 6, bị thương nặng phải về tuyến sau 4 người, còn 4 người bị thương nhẹ khi ở tuổi đời còn rất trẻ, mười tấm, đôi mươi. Sau trận đánh Chư Pa hút chết, Nguyễn Ngọc Lâm với thành tích vừa chiến đấu dũng cảm, vừa mưu trí bảo vệ tử sĩ, thương binh được cấp trên tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, và được thăng chức Trung đội trưởng khi vừa tròn 18 tuổi.

Trận thứ 2 đáng nhớ trong những ngày đầu quân ngũ của anh lính trẻ Nguyễn Ngọc Lâm là trận đánh diễn ra ngày 11/9/1969 trong khí thế biến đau thương thành hành động lập chiến công dâng Bác tại suối Gia Nhiên, làng Huýnh, tỉnh Gia Lai. Lần đầu tiên, những người lính trẻ như ông đánh trực diện với một dàn xe tăng hùng hậu của Mỹ đang trên đường đi càn, nhiều người lính trẻ khi bắt gặp xe tăng M48 dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bị sốc khi đối diện với loại phương tiện chiến đấu đồ sộ bằng sắt với trang thiết bị hỏa lực mạnh kinh khủng. Nguyễn Ngọc Lâm bằng khẩu B41 của mình đã bình tĩnh, chiến đáu cùng đồng đội bắn cháy 4 xe tăng, trong đó có 1 chiếc do cá nhân ông bắn cháy. Trận chiến này, ông được kết nạp Đảng ngay tại trận địa còn cháy khét mùi thuốc súng.

Trận đánh không thể quên vào đầu năm 1970, ông Lâm cùng Đại đội 2 , tiểu đoàn 4 nhận nhiện vụ sang giải phóng thị xã A-Tô-Pơ ở Nam Lào. Hai mươi tuổi, với cương vị là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2, ông chỉ huy một mũi đánh vào sân bay A-Tô-Pơ. Chiến thuộc đánh đặc công, được áp dụng trong trận này, nhưng oái oăm thay khi trận đánh xảy ra, mũi tiến công của ông Lâm đi chệch khoảng 200 m. So với mục tiêu đơn vị đảm nhiệm. Tuy nhiên, kế hoạch vận được ông cùng đồng đội nhanh trí kịp thời xử lý tình huống, thay vì đánh vào hướng cổng phụ như đã định thì ông cho lực lượng tiến thẳng vào cổng chính, và đánh trực diện vào sân bay, tiêu diệt toàn bộ mấy chục máy bay ở sân bay A-Tô-Pơ, và diệt hầm chỉ huy của tiểu đoàn B4, tên tiểu đoàn trưởng chết tại hầm, góp phần giải phóng thị xã A-Tô-Pơ của Nam Lào vào gày 7-5-1970 sớm hơn hai ngày so với yêu cầu của Bộ Tư lệnh An Sơn. Ngay sau đó Trung đoàn của ông nhận lệnh sang chiến trường mới, giải phóng thị trấn Siêm-Pang, tỉnh Stung-Treng đúng vào ngày sinh nhật bác 19-5-1970. Từ đây, đơn vị ông lên đường giải phóng tỉnh Ô đô men chay và đền Preah Vihear.

HỒI ỨC MÃI RỚM MÁU

Chiến tranh, thành tích và chiến công đổi bằng sinh mạng của những người lính. Bởi vậy, nỗi đau thương do chiến tranh mang lại, hay chính là sự trải nghiệm bằng máu trong những năm tháng tuổi trẻ của ông khiến cho hồi ức của ông mãi mãi là một khoảng lặng rớm máu. Năm 1972, sau khi đơn vị rút quân từ nước bạn Campuchia trở về chiến đấu tại tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường, mặt trận mở chiến dịch chia lửa cho Quảng Trị. Trước khi đi chiến dịch, tiểu đoàn bổ sung quân số hơn 300 quân. Khi hoàn thành chiến dịch gần 2 tháng trở về, tiểu đoàn chỉ còn lại 30 người. Cả Ban chỉ huy Tiểu đoàn, người bị thương, người hy sinh và gần 200 người đã nằm xuống trên chiến trường chỉ trong vòng 2 tháng. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm không bao giờ quên được cảm giác của những ngày đầu tiên trở về căn cứ. Gần 200 chiếc giường trống, hàng chồng ba lô, những đồ dùng cá nhân của đồng đội vẫn còn xếp chồng lên nhau để lại trước khi vào chiến dịch. Cảm giác trống vắng và lạnh lẽo bao trùm lấy tiểu đoàn với những người còn sống sót trở về. Không một ai biết được rằng, trong 10 đêm liền ngày đầu về lại căn cứ, đêm nào Chính trị viên phó Tiểu đoàn 24 tuổi là ông nằm khóc thầm vì một sự mất mát quá lớn, vì thương đồng đội, những người lính trẻ măng tơ bổ sung về đơn vị chưa biết hết được quê quán, hoàn cảnh gia đình đánh trận đã hy sinh. Chiến tranh càng khắc sâu trong ông những ám ảnh khốc liệt và mất mát. Những người lính ngã xuống khi còn chưa kịp ăn bữa cơm, hay hàng tháng trời chưa được một bữa thịt tươi ngoài lương kho và cơm nắm.

Còn sống sót để trở về sau chiến tranh đã là một phép nhiệm mầu mà số phận đã ban cho ông, chở che ông. Với một niềm may mắn thần kỳ ấy, ông đã sống một cuộc đời sau chiến tranh với một sự cống hiến, và với một niềm biết ơn sâu sắc những đồng đội của mình đã ngã xuống vì một cuộc sống bình yên hôm nay. Ông đã hoàn thành xuất sắc cương vị của một người lính, một sĩ quan trẻ kinh qua chiến đấu, hy sinh gian khổ khắp chiến trường Đông Dương. Trở về và có mặt tại Bộ Tư lệnh Lăng, 30 năm qua ông đã hoàn thành tốt nghiệm vụ thiêng liêng cao cả là bảo vệ và giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh. Người lính trẻ năm xưa nay đã là vị thiếu tướng dày dạn kinh nghiệm với cương vị là Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng, ông đã viết trọn vẹn bản thành tích cuộc đời phấn đấu không ngừng nghỉ của mình.
 
Cháu ngoại của anh Lâm và chị Phương
Giờ đây, khi đã rời nhiệm vụ để về nghỉ hưu thanh thản ở cõi đời này, một ngày sống với ông là một niềm hạnh phúc nhiệm mầu. Bởi so với những đồng đội đã ngã xuống, hay những đồng đội khác giờ này còn đang ở các trại thương binh nặng, hay ai đó cuộc sống thiếu thốn trăm bề thì số phận ông quá may mắn. Đã đành rằng sự dày công khổ luyện, phấn đấu đưa ông tới vinh quang, song Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm không bao giờ quên lòng tri ân với quá khứ. Ông vẫn còn một nỗi day dứt với hồi ức rớm máu của mình.Ông đang lặng lẽ cùng những người bạn, những đồng đội, có dịp trở về chiến trường xưa tìm lại những dấu vết của đồng đội trong ký ức để hàn gắn những mảnh vỡ tâm linh của chiến tranh trong hình hài những đồng đội cũ còn nằm lại ở chiến trường. … đó cũng là một trong những hành động ông tri ân với cuộc đời nhiều phép mầu của mình.

PV MINH NGỌC
ANTG số 52 ra ngày 14/5/2012 (kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ)
----
ĐÔI LỜI VỀ ANH NGUYÊN NGỌC LÂM

Mai Khoa

Năm 1975 sau khi Mai Khoa học xong khóa huấn luyện tân binh thì đất nước hòa bình. Đơn vị cho về phép nghỉ 2 ngày mừng chiến thắng - giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (15, 16/5/1975).
Về nhận nhiệm vụ văn thư lưu trữ tại tiểu đoàn 25 Học viện Chính trị - Lớp đào tạo Cán bộ Tổ Chức Tiểu đoàn (đóng tại Mỏ Chén-Hòa Lạc/ Lương Sơn-Hòa Bình) - MK gặp anh Nguyễn Ngọc Lâm cùng các học viên là bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam được cử ra Bắc học sĩ quan. Trong thời gian này, MK được cùng công tác - làm việc với các anh, với niềm yêu mến những người lính trẻ và là những sĩ quan sẽ đóng góp nhiều cho lực lượng vũ trang QĐNDVN -MK đã có nhiều bài viết về thời gian này.
Từ đó đến nay, đã 37 năm, biết bao kỉ niệm giữa các anh và gia đình anh Nguyễn Ngọc Lâm với anh chị em Học viện chính trị. Hàng năm anh em vẫn gặp nhau để thăm hỏi, động viên và chúc mừng khi có hỷ sự, chia buồn khi có tang gia. Mối tình giữa người lính đậm đà tình nghĩa, ân cần sâu sắc sẽ chia vui buồn đã giúp cho MK có được ngày hôm nay. Hạnh phúc nhỏ nhoi của người cựu chiến binh.Xin gửi tới anh Nguyễn Ngọc Lâm và gia đình lời chúc sức khỏe và luôn mong anh là tấm gương sáng cho các em noi theo. Anh Lâm còn được đặt tên là "Anh Hoa Đào" vì hàng năm, anh đã gửi 1 cành đào Tết vào Sài Gòn để gđ Mai Khoa đón xuân. Mùa Xuân ấm áp như giữa lòng Hà Nội. Người Hà Nội ở nơi xa vẫn gần gũi như ở quê hương vậy.

Không có nhận xét nào: